Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán: KBC) vừa có văn bản báo cáo Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) với nội dung thông qua việc sử dụng 10 triệu cổ phiếu KBC của Chủ tịch HĐQT Đặng Thành Tâm làm tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ trả nợ các khoản vay trong năm 2024 tại các tổ chức tín dụng.
Thời hạn bảo đảm được tính từ ngày phát sinh các khoản vay 17-6 cho đến khi toàn bộ nghĩa vụ trả nợ của KBC hoàn tất.
Sau thông tin trên, cổ phiếu KBC đóng cửa phiên ngày 19-6 giảm 1,64% so với giá tham chiếu, xuống còn 29.900 đồng/cổ phiếu. Tạm tính với mức giá này, ước tính trị giá lô cổ phiếu trên là 299 tỉ đồng.
Theo báo cáo mới đây, ông Đặng Thành Tâm đang nắm giữ hơn 138 triệu cổ phiếu KBC, tương ứng khoảng 18% vốn điều lệ của Kinh Bắc. Như vậy, số cổ phiếu mà ông Tâm làm tài sản bảo đảm cho vay ngân hàng chỉ chiếm 7,2%.
Về hoạt động kinh doanh của Kinh Bắc, báo cáo tài chính quý I/2024 cho thấy doanh thu thuần của doanh nghiệp này chỉ đạt mức 152 tỉ đồng, giảm hơn 2.000 tỉ đồng so với quý I/2024 do không ghi nhận doanh thu cho thuê đất và cơ sở hạ tầng.
Biến động cổ phiếu KBC trong 6 tháng qua Nguồn: Fireant
Sau khi khấu trừ giá vốn hàng bán và các chi phí khác, Kinh Bắc báo lỗ 85,6 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ báo lãi 940 tỉ đồng, chấm dứt chuỗi 4 quý liên tiếp có lãi. Với kết quả trên, doanh nghiệp còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận năm 2024 4.000 tỉ đồng.
Tính đến cuối tháng 3-2024, tổng nợ phải trả của Kinh Bắc ghi nhận lên đến 19.193 tỉ đồng (tăng gần 6.000 tỉ đồng so với cuối năm 2023), chủ yếu phát sinh từ khoản phải trả dài hạn cho Công ty CP Du lịch Sài Gòn - Hàm Tân 5.650 tỉ đồng.
Giá trị danh mục tiền và các khoản tương đương tiền của Kinh Bắc đến cuối quý I giảm hơn 260 tỉ đồng, xuống còn 579,9 tỉ đồng.
Theo tờ trình đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Kinh Bắc dự kiến trình phương án chào bán riêng lẻ 250 triệu cổ phiếu KBC với tổng giá trị phát hành 2.500 tỉ đồng cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Kinh Bắc cho biết số tiền thu được từ các đợt chào bán sẽ được sử dụng để bổ sung vốn lưu động hoạt động sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu các khoản nợ, tăng quy mô vốn hoạt động, đầu tư góp vốn vào các công ty con, công ty liên doanh, liên kết...